Người ta nói mỗi cây mỗi hoa mỗi nhà mỗi cảnh, và câu chuyện gia đình của mỗi nhà cũng đâu giống nhau. Xã hội thoáng hơn nên quyết định cuộc đời của mỗi người cũng đầy dứt khoát. “Tôi sống khổ lâu rồi, giờ tôi cũng không còn sức đâu phục vụ ông.”, đó là những lời cuối bà để lại trước khi chia tay.
Người phụ nữ can đảm ấy tên đầy đủ là Lưu Thị Dung, gốc Thái Bình. Cuộc sống trong viện dưỡng lão của bà đến bây giờ là tạm ổn. Mỗi lần có người đến chơi, những nếp nhăn như sâu thêm để tả rõ hơn nụ cười tươi của bà, như muốn nói, bà đã ngóng trông rất lâu người tới để nói chuyện cùng mình.
Cuộc đời bà trải qua nhiều lời xì xầm về cuộc hôn nhân đã cưới đi nửa đời bà mà chẳng có một kết quả gì. Hạnh phúc, không; con cái, không; chẳng có ràng buộc gì giữa bà và người chồng cũ… “Tôi mang cái tiếng bị chồng bỏ. Họ bảo chồng tôi ăn ở tốt thế mà, thì chắc hẳn là do tôi xấu xa hay như nào đó”, bà nói.
Cuộc hôn nhân vào năm 35 tuổi là quá muộn màng với người phụ nữ ở thời kỳ đó. Người bà chọn để nắm tay là một người đàn ông đã qua một đời vợ. “Ông cắt đứt tình cảm với bà kia xong thì lấy tôi vào năm 1965. Tôi với ông làm cùng cơ quan nên quen biết nhau. Cái thời đó tình thương nhiều hơn là tình yêu. Chính là vì thương hoàn cảnh của ông ấy nên chúng tôi nên duyên vợ chồng, dù nhiều người đàn ông khác cũng ngỏ ý với tôi”.
Tưởng rằng cuộc hôn nhân này sẽ là khởi đầu mới. Ấy nhưng dường như đó là báo hiệu của sự bất hạnh bắt đầu đến với cuộc đời người phụ nữ truân chuyên này. Ông ở nhà chẳng bao giờ giúp bà bất cứ việc gì, dù cho có thời gian bà đau lưng mà vẫn phải nén cơn đau để làm mọi công việc nhà. Bà mệt và khóc đến mức 2 mí mắt sưng viêm phải nhập viện vì không thể đảm đương công việc được và muốn thuê giúp việc nhưng chồng không đồng ý.
Nhưng đau đớn hơn, sau một thời gian sống với nhau, ông bà phát hiện mình không thể có con. Vậy là cuộc sống lại thêm tăm tối và ngột ngạt. “Thành ra tình cảm vợ chồng cũng nhạt dần đi…”, bà trầm ngâm.
Năm 1985, bà từng muốn chia tay nhưng do gia đình can ngăn nên bà ngậm ngùi sống tiếp, những năm sau đó, danh nghĩa vợ chồng nhưng hai người sống với nhau chẳng khác người dưng. Bà cứ âm thầm hy sinh, chịu đựng trong khi người chồng chẳng màng đáp lại.
Đau đớn buồn tủi, bà Dung từng nghĩ đến chuyện tự tử để giải thoát. Nhưng rồi lại thôi, bà bảo, bà còn những đứa cháu gọi bà là cô, thương yêu và chăm sóc bà hết mực, nên bà không đành lòng bỏ đi. “Mình chết thì chỉ khổ mấy đứa nhỏ nên chẳng dám nghĩ xa xôi nữa. 2 năm trời, đôi con mắt cứ đau nhức, sưng to vì nhiều lúc cực quá chỉ có khóc”, bà nói.
Thế nhưng, tháng 9/2014, bà quyết định tự chấm dứt chuỗi ngày sống âm thầm hi sinh mà chẳng được đối phương đáp lại. Ở tuổi 84, bà đệ đơn ly hôn ra tòa để kiếm tìm sự tự do cho mình. Sau 2 năm giải quyết các thủ tục pháp lý, bà Dung bắt đầu cuộc sống “độc thân vào đời” lần thứ 2. Ở cái tuổi 86 không chồng con, không muốn phiền cháu, bà chọn viện dưỡng lão làm mái nhà trú ngụ cuối đời.
Lời cuối bà để lại cho người chồng chỉ vỏn vẹn vài dòng: “Tôi sống khổ lâu rồi, giờ tôi cũng không còn sức đâu phục vụ ông. Tôi xin rút lui, chia tay nhau để mỗi người đi con đường riêng cho thoải mái. Tôi hết thương ông rồi”.
Thi thoảng vẫn có người xầm xì khuyên bà quay lại cho có người bầu bạn tuổi già. Nhưng bà kiên quyết: “Tôi chịu đựng cả cuộc đời, giờ quay lại để tiếp tục khổ à?”. Sau ly hôn, chẳng có liên lạc nào được thiết lập giữa 2 bên, “đường tôi, tôi sống”, “đường anh, anh đi”.
Cuộc sống trong viện dưỡng lão vẫn bình dị như khi bà còn chồng. Quy củ, nguyên tắc và nền nếp. Sáng sớm dậy tập dưỡng sinh, tối trước khi ngủ xem chút TV rồi ngâm chân. Mọi thứ xưa kia bà phải lo cho người, giờ bà còn sức thì bà tự làm hết, không muốn phiền điều dưỡng.
“Ở đây sống thoải mái lắm cô à nhưng làm sao bằng được như ở nhà, có con có cháu. Buồn nhất có lẽ là lúc ốm đau”. Muốn về quê đoàn tụ con cháu nhưng lại nghĩ phiền chúng, ai cũng có công việc riêng, bà lại thôi. Có khi bà nghĩ, nếu có con, dù phải rau cháo qua ngày bà cũng chịu.
“Mình với con cũng được, thế thôi! Nhưng đời người ai cũng có tiếc nuối. Nhiều đêm không ngủ được, tôi buồn đến chết mất rồi lại suy nghĩ lung tung. Ở đây tôi ít bạn lắm, toàn các cụ bệnh, liệt chẳng có người nói chuyện nên phần lớn tôi trong phòng xem ti vi”.
Ở cái tuổi gần đất xa trời, sức khỏe vốn chẳng an ổn, bà ước những điều mà chẳng ai bảo là điều ước: “Sau này có bệnh tật gì cho dễ chết không nhỉ, thật ấy. Bệnh mãn tính thì thôi, cứ để dần dần tôi đi. Ông trời sẽ “lôi” đi thôi, còn ăn bồi dưỡng kéo dài thời gian thì tôi không muốn. Thôi trước mắt cứ sống một mình thế này đã!”.
Nhưng bà vẫn rất may mắn vì có những người cháu biết nghĩ cho cô. Dù bà hết lương hưu thì họ cũng sẽ dốc lòng nuôi cô. Đó có lẽ là điểm sáng tươi nhất trong cuộc đời bà Dung. Thi thoảng, trong lúc vào thăm bà Dung, chúng lại trêu bà liệu có được ông trong viện nào “để mắt” đến không, bà chỉ cười đáp: “Cho tao cũng chả thèm nhé, chán ngấy rồi”.
“Nếu được quay lại là cô Dung của năm 35 tuổi, bà có chọn ông nữa không?”
“Không bao giờ. Bà hết thương ông rồi. Tình thương cũ bay hết cả rôi.”